Ngày 3/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?”.
Theo đó, RFA cho biết, theo Nghị định 168 về mức xử phạt hành chính trong vi phạm giao thông có hiệu lực đầu năm 2025, một số lỗi vi phạm bị tăng mức phạt lên nhiều lần so với quy định cũ. Trong đó có lỗi mà rất nhiều người đi đường mắc phải là vượt đèn đỏ và đi ngược chiều.
Theo đó, xe ô tô vi phạm 2 lỗi này bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng thay vì chỉ 4 đến 6 triệu đồng theo quy định cũ; xe gắn máy bị phạt 4 đến 6 triệu đồng thay vì chỉ vài trăm ngàn đến một triệu như trước kia.
RFA cho biết thêm, tai nạn giao thông, một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam, đã cướp đi gần 10 ngàn sinh mạng chỉ trong năm 2024. Do vậy, việc ban hành Nghị định 168 được Cục Cảnh sát Giao thông cho là “cần thiết” vì mức phạt cũ “không đủ mức răn đe”.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, xung quanh vấn đề xử phạt lỗi vi phạm giao thông còn một hiện tượng phổ biến nữa chưa được đề cập tới là “giải quyết tại chỗ” hay “nộp phạt tại chỗ” bằng tiền mặt, một hình thức nhận hối lộ của lực lượng cảnh sát giao thông đối với người vi phạm.
Theo RFA, ngay ngày đầu tiên thực hiện Nghị định mới, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết đã xử phạt hơn 13.000 trường hợp vi phạm giao thông, thu về gần 28 tỷ đồng.
Nhiều người cho rằng, mức phạt cao sẽ là cơ hội để túi tiền của cảnh sát giao thông đầy hơn; nạn nhũng nhiễu, mãi lộ còn trầm trọng hơn vì Việt Nam chưa có quy trình xử phạt qua camera, mà tất cả các phiếu phạt đều do cảnh sát giao thông trực tiếp viết và đưa cho người vi phạm.
RFA dẫn lời một người dân ở Sài Gòn chia sẻ lo ngại, với việc mức phạt gia tăng một cách đáng kể như quy định của Nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ dựa vào đó để tăng mức “nộp phạt tại chỗ”.
Tham nhũng tại trong ngành cảnh sát giao thông là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là không giải quyết được nếu có minh bạch, có giám sát và giải trình. Tiếc rằng việc giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình từ người dân lại có số phận thật lênh đênh.
RFA cho hay, Báo cáo khảo sát xã hội học “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện với sự giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ cho thấy, cảnh sát giao thông là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra “hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi trả không chính thức bị đòi hỏi hoặc gợi ý để giải quyết vấn đề”.
RFA dẫn lời cựu công an Nguyễn Doãn Tú cho rằng, Nghị định 168 được ban hành là một cách để ngành công an “hút máu” dân vì họ có nhiều cách để bẫy dân. Chẳng hạn như đề xuất bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông; đèn đang xanh bỗng chuyển sang đỏ mà không qua đèn vàng; nhiều chỗ đèn xanh đèn đỏ chạy loạn xạ hoặc chớp liên tục…
“Để hạn chế việc cảnh sát giao thông phạt rồi bỏ túi riêng thì chỉ có cách sử dụng luật thôi. Phải có luật pháp rõ ràng, thống nhất và khoa học. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra” – Ông Tú nói và dẫn phát biểu của cựu bộ trưởng Mai Tiến Dũng rằng, chỉ có dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thôi.
RFA cũng cho hay, có thể thấy, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp phạt người vi phạm được hưởng lợi một cách “công khai nhưng kín đáo” từ Nghị định 168, Bộ Công an cũng hưởng lợi lớn khi liên tục đòi tăng tỷ lệ giữ lại tiền thu phạt vi phạm giao thông từ ngân sách. Trong giai đoạn 2018 – 2021, tỷ lệ trích lại cho Bộ Công an là 70%; năm 2022 và 2023 là 79%; từ năm 2024 là 85%.
Như vậy, có thể coi Nghị định 168 là nghị định làm giàu thêm cho ngành công an bởi số tiền “ăn” trực tiếp khi “đứng đường” cũng tăng, mà số tiền được trích lại từ nguồn thu xử phạt nộp vào ngân sách cũng tăng.
Minh Vũ – thoibao.de