Phạm Thị Thanh Trà, phụ nữ “thép” không sợ “kiếm” sắt của Tô Lâm?

Nhóm Nghệ An có đến 2 ủy viên Bộ Chính trị và 10 ủy viên Trung ương Đảng, nhưng lại đang bị Tô Lâm dồn vào thế khó. Vương Đình Huệ ngã ngựa là đòn đánh dằn mặt, khiến cho 2 nhân vật còn lại gốc Nghệ An là Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Trạc dường như không dám “gáy” lên tiếng nào nữa. Có vẻ như, nhóm Nghệ An giờ đây không thể trông cậy gì vào 2 nhân vật của tỉnh này trong Bộ Chính trị.

Đại hội 14 còn 1 năm nữa sẽ diễn ra. Khả năng cao, Phan Đình Trạc rút lui, Nguyễn Xuân Thắng khó mà giữ được ghế ủy viên Bộ Chính trị. Vì thế, nhóm ủy viên Trung ương Đảng của phe Nghệ An cũng đang chạy nước rút, để kiếm suất vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ sau. Có 3 ứng viên vào Bộ Chính trị, là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, và Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó ban Tổ chức Trung ương Phạm Thị Thanh Trà.

Đáng chú ý là nhân vật nữ đầy tham vọng gốc Nghệ An. Đường tiến thân của bà Trà tại Yên Bái gắn với vụ án rùng rợn. Tháng 8/ 2016, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh bị sát hại tại cơ quan. Chính quyền xác định 2 quan đầu tỉnh kia bị chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Đỗ Cường Minh sát hại và sau đó tự sát. Vụ án nhanh chóng kết thúc và bị cho là do “mâu thuẫn cá nhân”.

Cái chết của Bí thư và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khiến cho bà Phạm Thị Thanh Trà – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh lúc đó, thâu tóm 2 chức vụ của 2 người vừa bị sát hại để lại. Đáng nói là bà Phạm Thị Thanh Trà trước đó bị cho là đã nâng đỡ em trai là ông Phạm Sỹ Quý lên nắm chức vụ giám đốc sở. Ông Quý bị tố là xây biệt phủ khủng với nguồn tiền bất minh. Tuy nhiên, bà Trà vẫn lên chức như diều gặp gió. Có vẻ như những tai tiếng không làm lung lay được con đường tiến thân của người phụ nữ này.

Chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là chức vụ không lớn. Tuy nhiên, sau khi Tô Lâm lên làm Tổng bí thư, bà Phạm Thị Thanh Trà lại một lần nữa tỏ ra cứng rắn trước ông Tổng Bí thư. Đáng chú ý, khi ông Tô Lâm tung ra chính sách tinh gọn, bà Phạm Thị Thanh Trà lại tung ngay chính sách “không bỏ lại bất kỳ ai phía sau”, “sẽ bố trí công việc cho tất cả các thứ trưởng”… Nói chung, bà Trà đang chống lại chính sách tinh giản của Tô Lâm. Một phụ nữ mà dám “nhổ răng cọp” trong khi 2 đấng mày râu ủy viên Bộ Chính Trị gốc Nghệ An thì không dám có bất kỳ hành động chống đối nào.

Được biết, năm 2023, bà Phạm Thị Thanh Trà chính là tác giả của chính sách sáp nhập các cơ quan huyện xã, trên cả nước và bà đang thực hiện. Khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, thực hiện thêm chính sách sáp nhập ở quy mô lớn hơn, thì bà Trà lại quay ra tung chính sách giữ lại quan chức, để chống lại chính sách tinh gọn của Tô Lâm.

Cho đến giờ, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng vì sao một phụ nữ “chân yếu tay mềm” mà dám “bẻ nanh cọp dữ” như thế? Cần phải xác định, cả Trần Sỹ Thanh và Hồ Đức Phớc cũng đang chống Tô Lâm, nhưng cả 2 không ra mặt công khai, mà núp dưới bóng người đồng hành. Hồ Đức Phớc nấp dưới bóng Lương Cường, còn Trần Sỹ Thanh thì liên minh với Bùi Thị Minh Hoài chống lại Tô Lâm. Riêng Phạm Thị Thanh Trà thì một mình chống lại Tô Lâm không cần dựa ai. Phải chăng bà có thế tựa vững hay bà làm liều? Vẫn chưa có câu trả lời.

Có thể nói, từ con đường tiến thân ở cấp tỉnh cho đến hiên ngang chống lại chính sách lớn của Tô Lâm, bà Phạm Thị Thanh Trà đang cho thấy chất “thép” trong người phụ nữ, chất thép này dám đấu với “thanh kiếm sắt” Bộ Công an của Tô Lâm. Số phận quan bà sẽ ra sao? Chúng ta hãy chờ xem!

 

Thái Hà – Thoibao.de