Ngày 15/1, RFA Tiếng Việt đăng bình luận “Nghị định 168: Tô Lâm, đèn đỏ và viễn cảnh… “tắc tử”’, của blogger Đồng Phụng Việt.
Tác giả cho rằng, hiện trạng giao thông tại Việt Nam, đang chứng minh, Nghị định 168/2024 nói riêng và khả năng quản trị – điều hành xã hội của chính quyền Việt Nam nói chung, chỉ có khả năng tạo ra các thảm họa.
Tác giả dẫn phân tích của Tạp chí Luật Khoa, để chứng minh, việc ban hành Nghị định 168 không chỉ vi phạm pháp luật, mà cả hệ thống còn cố tình bảo vệ vi phạm ấy.
Nhiều nơi, nhiều người đã đề cập đến tác động của Nghị định 168 tới nhân tâm, dân ý, cũng như đối với kinh tế – xã hội, cả trong ngắn hạn lẫn tương lai.
Tác giả đề cập đến tâm và tầm của một số cá nhân, liên quan đến sự xuất hiện của Nghị định này, bởi đây chỉ là ví dụ mới nhất cho viễn cảnh tồi tệ hơn…
Do Nghị định 168, Việt Nam mới có cơ hội mục kích cảnh xe cứu thương kẹt cứng giữa rừng người và xe. Tất cả cùng bất động vì phía trước là đèn đỏ. Đáng lưu ý là, cảnh sát giao thông cũng phớt lờ cả ánh đèn lẫn tiếng còi cầu cứu, thản nhiên vẫy tay ra hiệu cho dòng xe phía trước tiếp tục băng ngang con đường có xe cứu thương đang mắc kẹt.
Tác giả cho biết, trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhiều người đang chuyển cho nhau xem video clip, trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Đèn đỏ là phải dừng lại.
Không rõ, nên xếp tuyên bố “tất cả các nước đều như thế cả” của Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học An ninh Tô Lâm vào loại nào?
Tác giả bình luận, không cần phải ra nước ngoài, chỉ cần ngồi tại nhà, vào Internet, dùng Google để đối chiếu thông tin, cũng có thể dễ dàng xác định, ông Tô Lâm có vấn đề về nghe – hiểu, đọc – hiểu đối với đèn đỏ. Bởi thực tế phức tạp, nằm ngoài khả năng dự liệu của giới làm luật, rất nhiều quốc gia xem cách hành xử đối với tình huống phía trước là đèn đỏ, phía sau là các phương tiện giao thông có quyền ưu tiên (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát,…) đang ứng phó với tình huống khẩn cấp, là chuyện mà những người đang điều khiển các phương tiện giao thông khác phải tự quyết định, để giải quyết xung đột giữa 2 yêu cầu.
Theo tác giả, ở châu Âu, người lái xe có quyền vượt đèn đỏ để nhường đường cho các xe ưu tiên, và sẽ không phạt nếu người lái xe làm như thế một cách an toàn. Một số tiểu bang ở Úc xác định, nếu thấy đủ an toàn, người lái xe được phép vượt đèn đỏ, hoặc lái cả vào đường ngược chiều, để nhường đường cho xe ưu tiên, nhưng một số tiểu bang khác lại không có quy định như vậy. Mỹ cũng tương tự như Úc,…
Vì vậy, tác giả đánh giá, khẳng định “tất cả các nước đều như thế cả” của ông Tô Lâm, không đơn thuần chỉ là một tuyên bố vô bằng. Nếu đúng là có “ông tư lệnh” nào đó đã nói đúng như ông Tô Lâm trần thuật, thì thông tin mà “ông tư lệnh” ấy cung cấp, chắc chắn không nhằm khai trí cho ông Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học An ninh của Việt Nam, nhưng ông Tô Lâm không đủ khả năng nhận ra và cũng chẳng đủ nội lực để lựa chọn!
Tác giả nhắc đến câu chuyện cười dân gian về ông lang băm bốc thuốc gây chết người, bị gia đình nạn nhân kiện ra quan huyện. Bị huyện quan chất vấn, ông lang băm ưỡn ngực, mở sách cho huyện quan xem. Đúng là trong sách có ghi “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng cho uống nhân sâm), song khi mở đến trang kế tiếp, thì tìm thấy hai chữ “tắc tử” (chắc chắn chết).
Tác giả kết luận, những ý tưởng quái gở được đưa vào Nghị định 168, rồi cách thức ban hành, thực thi, và hậu quả như đang thấy, chỉ là thêm một ví dụ chứng minh, ông Đại tướng, cựu Bộ trưởng Công an, đang thiết lập một triều đại mà công an trở thành lực lượng có thể khuynh đảo toàn bộ hệ thống quyền lực, và “tắc tử” là tương lai gần khó tránh!
Thu Phương – thoibao.de