Chiều 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường cùng với đoàn công tác đã thăm và chúc Tết ông Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang. Nhưng không thấy ông Lương Cường thăm và chúc tết ông Nguyễn Tấn Dũng.
Có thể nói, ông Dũng là “Tứ trụ” về hưu có ảnh hưởng nhất trên chính trường hiện nay. Ngày 17/11/2024, lấy cớ sinh nhật, ông Dũng đã tổ chức “ngày hội quy tụ quần hùng” rất đông đảo, nhằm giương oai diễu võ. Tuy nhiên, giới thạo tin cho biết, “đại hội võ lâm” này chủ yếu phục vụ cho ý đồ bành trướng quyền lực của phe Tô Lâm. Vì thế, ông Dũng không thể thuộc về phe nào khác được nữa. Nếu ông Cường cố gắng lôi kéo ông Ba Dũng thì cũng vô ích.
Giới “bô lão” dù không còn quyền lực, nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với những nhân vật đương quyền. Ngoài ông Dũng, ông Tư Sang cũng là một nhân vật được trọng vọng. Các mối quan hệ của ông có thể sẽ giúp ích không nhỏ đối với ông Lương Cường.
Ông Trương Tấn Sang quê Long An, sự nghiệp chính trị trưởng thành ở Sài Gòn, ông còn có mối quan hệ rất tốt với nhóm Hà Tĩnh – nơi vốn là gốc gác của ông. Nếu lôi kéo được ông Sang, thì lợi thế dành cho ông Cường không nhỏ.
Ngược lại, ông Nguyễn Minh Triết không có quan hệ mạnh như ông Tư Sang và ông Ba Dũng, nhưng tiếng nói của ông cũng khó bỏ qua, lôi kéo được thêm người vẫn là điều tốt.
Cũng ngày 14/1, ông Lương Cường lấy tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cùng với ông Hồ Đức Phớc – Phó Thủ tướng, thẳng tiến Kiên Giang. Điều đáng nói là, đến Kiên Giang nhưng ông Cường lại không thăm ông Ba Dũng, mà thăm các đơn vị đóng quân tại thành phố Phú Quốc.
Còn nhớ, ngày 11/12/2024, cũng chính ông Lương Cường cùng ông Hồ Đức Phớc đã đến Bộ Công an, hối thúc ông Lương Tam Quang cắt gọt Bộ này, theo chính sách tinh giản mà Tô Lâm vạch ra. Đây được xem là chiêu “gậy ông đập lưng ông” của ông Cường và ông Phớc. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Quang lại cho bổ sung thêm 1 Thứ trưởng mới. Như vậy, Bộ Công an không những không giảm, mà còn phình thêm, như một sự thách thức đối với ông Lương Cường.
Lần này, ông Phớc vẫn đi cùng ông Cường, xem như, ông Phớc đã chọn phe. Được biết, ông Phớc là ứng viên sáng giá cho một suất vào Bộ Chính trị ở Đại hội 14. Nếu thành công, có khả năng, ông Phớc sẽ là người “đứng mũi chịu sào”, dẫn dắt nhóm Nghệ An, lấy lại thanh thế. Bởi ông Phan Đình Trạc và ông Nguyễn Xuân Thắng hiện nay đã bị ông Tô Lâm kiềm tỏa, khó có thể giúp được gì cho nhóm Nghệ An.
Hướng đi của ông Lương Cường đã được định hình khá rõ. Bắt tay ông Hồ Đức Phớc để lôi kéo nhóm Nghệ An. Bắt tay với ông Phan Văn Giang, tạo liên minh mạnh trong quân đội. Dựa vào ông Tư Sang để lôi kéo nhóm Hà Tĩnh. Và giờ đây, ông Cường vào tận “sào huyệt” của ông Ba Dũng, để lôi kéo lực lượng quân địa phương trong Bộ Quốc phòng.
Nếu những nước cờ trên đều thành công, thì ông Cường sẽ là đối thủ đáng gờm của ông Tô Lâm. Tuy hiện tại ông Cường chưa đủ mạnh, nhưng chiến lược rất bài bản, rất quy mô. Không biết, ông Tô Lâm sẽ “bẻ gãy” bằng cách nào? Nếu quân đội đoàn kết từ Trung ương đến địa phương, họ có thể giúp Chủ tịch nước, để đọ súng với công an. Nếu phe Nghệ An và Hà Tĩnh đoàn kết, cùng đứng dưới trướng của Chủ tịch nước, để giành lợi thế trước phe Hưng Yên, thì khi đó, ông Tô Lâm có đỡ nổi không?
Đại tướng – Chủ tịch nước Lương Cường đang đi nước cờ táo bạo và đầy toan tính. Có thể nói, cản trở lớn nhất của ông Cường chính là thời gian. Ông Tô Lâm mất đến 8 năm để tạo vây cánh, vì vậy, ông Cường có tạo được bè phái mạnh thì cũng cần nhiều năm.
Trần Chương – Thoibao.de