Muốn “vươn mình” phải can đảm từ bỏ Xã hội Chủ nghĩa

Ngày 19/1/2025, học giả Trương Nhân Tuấn viết trên Facebook cá nhân bài bình luận về “kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô Lâm.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Ông Tô Lâm muốn đưa các ý kiến của ông về “kỷ nguyên vươn mình” lên thành “tư tưởng”. Đối chiếu với quá trình phát triển của Trung Quốc trên yếu tố thời gian, ta thấy “tư tưởng kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô trùng hợp với tư tưởng của ông Tập. Độ “chênh” thời gian giữa 2 bên là 7 năm. Thời kỳ “đổi mới” của Việt Nam đi sau thời kỳ “cải cách và khai phóng” của Đặng Tiểu Bình khoảng 7 năm. Tư tưởng của ông Tập được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2017.

Dựa trên các chỉ số phát triển của Việt Nam, tôi thấy là Việt Nam đã “thất bại toàn tập”, sau 50 năm xây dựng Xã hội Chủ nghĩa. Điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc.

Trung Quốc đã thành công thực hiện mục tiêu “tứ hiện đại” vào các năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Đây là bước đệm cho mọi phát triển nội tại của Trung Quốc. Thành quả của “tứ hiện đại” đã là nền tảng cho mọi phát triển của Trung Quốc sau này.

Cùng thời kỳ, Việt Nam có chính sách “đổi mới” với tiêu chí “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 30 năm thực hiện, kết quả ê chề. Việt Nam phá sản về mọi mặt. Sự phát triển của Việt Nam hiện thời là “làm thuê vác mướn”. Mọi phương diện đều dựa lên sức lao động và tài nguyên.

Theo tôi, Việt Nam không thể tiếp tục rập khuôn Trung Quốc. Việt Nam đã thất bại ngay từ bước đầu, thì việc rập khuôn tiếp theo sẽ chỉ là thất bại.

Tương đương với Giang Trạch Dân, ta có Đỗ Mười. Giang Trạch Dân được biết với “tư tưởng ba đại diện”. Trên nền tảng này, Trung Quốc thành công xây dựng “quốc gia pháp trị Xã hội Chủ nghĩa bản sắc Trung Quốc”. Việt Nam bắt chước ra thành cái gọi là “nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Vấn đề là, Việt Nam cho phép “cá lớn nuốt cá bé”, khiến xã hội Việt Nam là một xã hội giai cấp có bóc lột.

Tiếp theo, Hồ Cẩm Đào với quan điểm “phát triển khoa học”. Còn Việt Nam có Nông Đức Mạnh với tư tưởng “trồng cây gì nuôi con gì”. Kế đến là Tập Cận Bình nhiệm kỳ 1 với “Tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Tương ứng với Nguyễn Phú Trọng, với nhận định “không biết trăm năm nữa có Xã hội Chủ nghĩa hay chưa?”…

Trung Quốc càng tiến xa vì sự phát triển của họ có nền tảng (nhờ hiện đại hóa thành công). Việt Nam càng bắt chước càng sai lầm. 50 năm xây dựng Xã hội Chủ nghĩa thất bại, khiến Việt Nam trở thành một “thuộc địa kinh tế” cho tài phiệt nước ngoài. Việt Nam đã mất chủ quyền về kinh tế, mà kinh tế là huyết mạch, quyết định mọi chuyện.

Theo tôi thấy, ông Tô Lâm có thiện chí muốn xây dựng lại đất nước. Ông đã có những phát biểu về thực trạng nền kinh tế Việt Nam, mà trước nay chưa ai dám nói tới. Điều mà ông chưa nói, đó là sự thất bại của Việt Nam trong 50 năm xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Còn rập khuôn Trung Quốc, còn đi theo Xã hội Chủ nghĩa, thì sẽ không có khoa học gia Việt Nam nào về “xây dựng đất nước” hết cả. Ngay cả những khoa học gia xuất thân từ các “hạt giống đỏ”, được cài cắm từ lâu ở hải ngoại. Huống chi khoa học gia gốc “ngụy”. Mà không có khoa học gia, thì không cách nào hiện đại hóa đất nước, theo khuynh hướng công nghệ số hay các công nghệ mới về nano, như nghiên cứu tế bào gốc, vật lý nguyên lượng, năng lượng tập trung có định hướng…

Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung quốc, cho dầu phát triển cách nào thì Trung Quốc đều có thể giải thích được. Vì cái đó là Trung Quốc.

Theo tôi, ông Tô Lâm chỉ có thể thành công, nếu ông có can đảm nhìn nhận cái sai của Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam và từ bỏ nó.

Tức là, tên nước Việt Nam từ nay đơn giản là : Cộng hòa Việt Nam, thay vì Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp dĩ nhiên phải thay đổi, mà điều này chỉ có thể thực hiện qua một cuộc tổng tuyển cử Quốc hội lập hiến.

Từ nay không có tư tưởng chi hết cả. Cái nào có lợi cho đất nước, cho dân tộc thì mình làm. Làm có kế hoạch, đồng bộ và thực tiễn. Vậy thôi.

 

Hoàng Anh – thoibao.de